18/05/2018 - Đăng bởi : Đỗ Quốc Đạt
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 64/2018/NĐ-CP ngày 07/5/2018 quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Trong đó có quy định thẩm quyền xử phạt của Hải quan đối với các hành vi VPHC về chất lượng trong nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản và vi phạm về nhập khẩu giống vật nuôi.
Theo đó, Tổng cục trưởng TCHQ có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 50 triệu đồng trong lĩnh vực giống vật nuôi hoặc100 triệu đồng trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản; tịch thu tang vật, phương tiện VPHC; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm h, điểm k Khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan thuộc TCHQ, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quyền: phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 50 triệu đồng; đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50 triệu đồng; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm h, điểm k Khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
Vi phạm về chất lượng trong nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản, bao gồm:
- Hành vi vi phạm nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản chưa được phép lưu hành tại Việt Nam (trừ trường hợp nhập khẩu để giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm hoặc nghiên cứu, làm mẫu phân tích, nhập khẩu để sản xuất, gia công nhằm mục đích xuất khẩu);
- Hành vi vi phạm nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản hết hạn sử dụng.
* Vi phạm về nhập khẩu giống vật nuôi gồm: hành vi vi phạm nhập khẩu giống vật nuôi không có trong Danh Mục giống vật nuôi, giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà tổng giá trị hàng hóa vi phạm dưới 200 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 100 triệu đồng.
Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu, Đội trưởng Đội thủ tục hải quan, Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển và Đội trưởng Đội kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu TCHQ có quyền:
- Phạt cảnh cáo.
- Phạt tiền đến 25 triệu đồng.
- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 25 triệu đồng.
- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm h, điểm k Khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
Đội trưởng thuộc Chi cục Hải quan, Đội trưởng thuộc Chi cục kiểm tra sau thông quan có quyền: phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 5 triệu đồng.
Công chức Hải quan đang thi hành công vụ có quyền: phạt cảnh cáo và phạt tiền đến 500.000 đồng.
Cơ quan Hải quan có quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi VPHC về chất lượng trong nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản và vi phạm về nhập khẩu giống vật nuôi như sau:
- Buộc tái chế sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản;
- Buộc chuyển đổi Mục đích sử dụng sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản, giống vật nuôi;
- Buộc tái xuất sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản, giống vật nuôi;
- Buộc tiêu hủy chất cấm; sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản; vật nuôi, thủy sản; giống vật nuôi;
- Buộc hủy kết quả khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy sản;
- Buộc cơ sở chăn nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản tiếp tục nuôi dưỡng vật nuôi, thủy sản đã sử dụng chất cấm đến khi kiểm tra không còn tồn dư chất cấm mới được phép xuất bán hoặc giết mổ hoặc thu hoạch;
- Buộc di chuyển cơ sở sản xuất giống thủy sản.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản là 01 năm, trừ các trường hợp vi phạm hành chính về sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.