23/05/2018 - Đăng bởi : Đỗ Quốc Đạt
Cụ thể, Nghị định 08/2015/NĐ-CP chưa quy định cụ thể về thủ tục hải quan đối với việc chuyển tải, lưu kho chia tách, thay đổi phương thức vận tải, hàng quá cảnh đóng chung với hàng nhập khẩu, hàng xuất khẩu. Cũng theo Nghị định 08/2015/NĐ-CP hàng trung chuyển vào tại một cảng và chỉ được đưa ra từ đó. Đồng thời, Nghị định này cũng chưa phân định rõ ràng giữa hàng quá cảnh và hàng trung chuyển, dẫn đến phát sinh việc các đối tượng bị điều chỉnh thực hiện không thống nhất, trong khi đây là các hoạt động đã được Luật Thương mại cho phép và phù hợp với thông lệ quốc tế, cần được tạo thuận lợi để phát triển hoạt động logistic.
Để đảm bảo công tác cải cách thủ tục hành chính, thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ quốctế, Nghị định 59/2018/NĐ-CP đã sửa đổi một số nội dung cơ bản liên quan đến hàng hoá quá cảnh, trung chuyển cụ thể như sau:
Thứ nhất là về thủ tục đối với hàng trung chuyển, quá cảnh:
- Quy định cụ thể về thủ tục hải quan đối với việc chia tách, lưu kho, thay đổi phương thức, phương tiện vận tải hàng quá cảnh, việc đóng chung hàng hóa quá cảnh với hàng xuất khẩu, hàng dự kiến nhập khẩu tại các địa điểm: Kho ngoại quan, kho CFS, cảng cạn..
- Quy định việc trung chuyển bằng đường biển từ nước ngoài vào khu vực trung chuyển tại cảng biển, sau đó được đưa ra nước ngoài từ chính khu vực trung chuyển tại cảng biển này hoặc đến khu vực trung chuyển tại cảng biển khác để đưa ra nước ngoài; hàng hóa trung chuyển vận chuyển giữa các cảng biển phải được vận chuyển bằng đường thủy nội địa, đường biển. Đối với hàng hóa vận chuyển từ nước ngoài qua lãnh thổ Việt Nam để đến nước khác không thuộc trường hợp trung chuyển thì thực hiện thủ tục theo quy định đối với hàng quá cảnh.
- Đồng thời tại Nghị định chỉ cho phép hàng hóa đưa từ nước ngoài vào Việt Nam vào các khu vực trung chuyển tại các cảng biển loại IA và cảng TP Hồ Chí Minh (cảng biển loại I)
Các quy định trên nhằm đảm bảo tương thích với quy định tại Điều 241 Luật Thương mại và thực tế phát sinh trong hoạt động vận tải quốc tế, phát huy lợi thế của Việt Nam trong hoạt động vận tải quốc tế, nâng cao năng lực cảng biển Việt Nam. Hơn nữa, dự thảo quy định cụ thể, phân biệt rõ hàng hóa quá cảnh, hàng hóa trung chuyển để đảm bảo đúng bản chất của hàng quá cảnh, trung chuyển cũng như đảm bảo công tác quản lý đối với các loại hàng hóa này và thuận lợi trong quá trình thực hiện, cũng như phát huy lợi thế cảng biển nước sâu của Việt Nam, tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa cũng như hoạt động logistics.
Thứ hai là về công tác giám sát hải quan
Theo quy định tại Luật Hải quan năm 2014, Luật Thương mại năm 2005 thì hàng hóa quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam phải đảm bảo nguyên trạng, phải chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan Việt Nam trong toàn bộ thời gian quá cảnh (các phương thức giám sát theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 Luật Hải quan năm 2014). Theo đó, trách nhiệm của cơ quan Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đến (cửa khẩu xuất) phải kiểm tra, đối chiếu tình trạng niêm phong hải quan của toàn bộ lô hàng quá cảnh vận chuyển để xác định tính nguyên trạng của lô hàng
Để phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP đã quy định các trường hợp hàng hóa được vận chuyển bằng đường thủy nội địa, đường biển, đường không, đường sắt (trừ đường bộ do có rủi ro cao hơn trong gian lận) mà phương tiện chứa hàng còn nguyên niêm phong của hãng vận chuyển thì sử dụng niêm phong của hãng vận chuyển, không thực hiện niêm phong hải quan. Cơ quan hải quan tại cửa khẩu xuất sẽ thực hiện kiểm tra niêm phong hải quan hoặc kiểm tra niêm phong của hãng vận chuyển.
Tuy nhiên, do đặc thù địa hình tại các cảng thuỷ nội địa giáp với biên giới Campuchia, theo đó để thuận lợi và đảm bảo cho công tác kiểm tra giám sát đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy nội địa xuất sang Campuchia, tại dự thảo đã quy định ngoài niêm phong hải quan hoặc niêm phong của hãng vận chuyển thì phải được giám sát bằng phương tiện kỹ thuật khác, Hải quan cửa khẩu thực hiện giám sát căn cứ thông tin về lộ trình, thời gian vận chuyển, các cảnh báo bất thường (nếu có) để quyết định việc kiểm tra niêm phong hải quan hoặc niêm phong hãng vận chuyển, tức là việc kiểm tra niêm phong của hãng vận chuyển hoặc niêm phong của hải quan giao thẩm quyền cho Chi cục trưởng quyết định.
Việc bổ sung, sửa đổi các quy định liên quan đến hàng đến hàng hoá quá cảnh, trung chuyển theo Nghị định 59/2018/NĐ-CP đã giúp cho hoạt động quá cảnh, trung chuyển hàng hóa được thuận lợi hơn đồng thời vẫn đảm bảo các yêu cầu về quản lý, giám sát hải quan.